Vào sân bóng Anh, uống bia Sài Gòn
Gia Minh
(TBKTSG) – Mùa bóng đá Anh năm nay sẽ khởi đầu vào ngày 11-8 tới đây. Ngoài việc các đội chi những khoản tiền khổng lồ để mang về binh hùng tướng mạnh nhằm giành lấy chiếc cúp thuộc loại danh giá nhất trong làng túc cầu châu Âu, thì câu chuyện bia Sài Gòn – một sản phẩm Việt Nam – xuất hiện tại giải ngoại hạng Anh cũng được dân ghiền bóng đá lẫn dân nhậu nước ta quan tâm theo dõi.
![]() |
Ảnh: Facebook Sabeco. |
Câu lạc bộ Leicester City, nhà vô địch giải ngoại hạng Anh năm 2015-2016, thuộc sở hữu của tỉ phú người Thái Vichai Srivaddhanaprabha, vừa thông báo về một thỏa thuận hợp tác toàn cầu với nhà sản xuất nước giải khát Thái Lan Thaibev thuộc sở hữu của tỉ phú đồng hương Charoen Sirivadhanabhakdi. Thaibev chính là doanh nghiệp đã chi 4,8 tỉ đô la Mỹ để mua 53,59% cổ phần Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) của Việt Nam hồi cuối năm ngoái.
Theo thỏa thuận này, bia Sài Gòn sẽ trở thành nhà tài trợ trên tay áo của câu lạc bộ Leicester. Như vậy, kể từ mùa giải 2018-2019, logo bia Sài Gòn sẽ xuất hiện trên sân vận động King Power với sức chứa gần 35.000 người, sân nhà của câu lạc bộ Leicester City, lớn thứ 19 trên quê hương môn bóng đá. Chưa hết, logo bia Sài Gòn còn xuất hiện trên phông nền các cuộc phỏng vấn cầu thủ của Leicester City, các bảng quảng cáo điện tử và các cuộc giao lưu với cổ động viên.
Không những thế, bia Sài Gòn cùng với bia Chang, hai thương hiệu bia nổi tiếng của Việt Nam và Thái Lan là hai nhà tài trợ chính của sân vận động King Power và chỉ hai loại bia này được bày bán tại sân. Thế là từ nay bia Sài Gòn đã vượt khỏi biên giới quốc gia và đáng nói hơn là giải bóng đá ngoại hạng Anh được cả thế giới theo dõi thì sức lan tỏa của thương hiệu này là rất đáng kể.
Đây là “cuộc chơi” của hai tỉ phú Thái Lan.
Tỉ phú Vichai Srivaddhanaprabha, nhà sáng lập kiêm CEO chuỗi cửa hàng miễn thuế King Power, đã mua câu lạc bộ Leicester City năm 2010 với giá gần 40 triệu bảng Anh, lúc câu lạc bộ này đang trong tình trạng khó khăn. Là chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan, cũng là ông chủ gần gũi với cầu thủ, ông kéo câu lạc bộ này khỏi vực sâu để làm nên kỳ tích vô địch Giải ngoại hạng Anh mùa 2015-2016, vượt qua những tên tuổi sừng sỏ và giàu có như Chelsea, M.U, M.C, Liverpool, Arsenal. Tỉ phú này đứng thứ năm ở Thái Lan với tài sản 3,2 tỉ đô la Mỹ (theo thống kê của Forbes tính đến ngày 3-5-2016).
Còn tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, ông chủ của Thaibev, vốn là bạn của tỉ phú Vichai. Không biết cuộc chơi của hai nhà tỉ phú người Thái có tạo được nhiều điều thú vị hay không nhưng chung quanh sự kiện này cũng có nhiều lời bàn tán.
Những ai từng dị ứng với việc Nhà nước bán đến hơn 51% vốn của một doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả như Sabeco cho người nước ngoài, nay có thêm sự việc để củng cố cho nhận thức trước đây và vẫn tỏ ra tiếc nuối một thương hiệu lâu đời gắn bó với bao nỗi thăng trầm của nền kinh tế đã không còn trong vòng tay của mình. Thậm chí có người cho rằng việc quảng bá thương hiệu bia Sài Gòn như người Thái đang làm là điều chúng ta có thể làm được.
Nói vậy nhưng không dễ chút nào. Cứ xem kinh nghiệm của Tôn Đông Á và Hoàng Anh Gia Lai từng xuất hiện cũng trên sân chơi giải ngoại hạng Anh, nhưng liệu được bao lâu khi mà nguồn lực cho quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp chúng ta vẫn còn hạn chế.
Thật ra, sở hữu một thương hiệu không quan trọng bằng việc sử dụng thương hiệu đó mang lại hiệu quả cao nhất. Bán sở hữu đi rồi, đồng tiền được dùng vào việc gì tốt hơn so với việc giữ sở hữu hay chưa?
Phải thừa nhận trong lĩnh vực này, người Thái đi trước chúng ta một quãng đường dài không chỉ bằng kinh nghiệm mà cả sự liên kết, và việc thâu tóm Sabeco là một minh chứng. Mặc dù từ ngày người Thái sở hữu đến 53,59% vốn, doanh nghiệp này vẫn chưa thấy có gì khởi sắc hơn.
Người Á Đông thường có hai quan niệm về cách báo hiếu: một là chăm sóc cha mẹ cho đến lúc về già, nhưng đó là chuyện nhỏ. Thứ hai, cách báo hiếu lớn hơn nhiều lần chính là làm sao cho gia đình, dòng họ được vẻ vang.
Bia Sài Gòn dù thuộc sở hữu của ai thì cũng là sản phẩm của Việt Nam, một sản phẩm nổi tiếng như thế được thế giới biết đến cũng đã là điều đáng mừng. Không có cái mình thích thì thích cái mình có vậy.
Nguồn: thesaigontimes.vn