Những nỗi lo đằng sau cuộc chiến công nghệ
Lê Linh
(TBVTSG) – Cuộc chiến thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, ở một khía cạnh nào đó, cũng là cuộc chiến giành quyền thống lĩnh về các công nghệ mới bao gồm mạng không dây 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), xe điện…
![]() |
Cuộc đua tranh quyết liệt giữa Apple và Huawei trên thị trường điện thoại thông minh chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh về cuộc chiến công nghệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung |
Trong thời gian qua, bên cạnh các biện pháp áp thuế hàng hóa Trung Quốc, Mỹ cũng có nhiều động thái “dằn mặt” Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ bao gồm quyết định cấm bán thiết bị công nghệ Mỹ cho hãng điện thoại di động và thiết bị viễn thông ZTE, cấm các cơ quan chính phủ sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE.
Giờ đây, Trung Quốc và Mỹ sắp nối lại cuộc đàm phán thương mại và giới quan sát đang chờ đợi xem Trung Quốc có sẵn sàng đưa ra các sự nhượng bộ đủ lớn để thuyết phục Mỹ chấm dứt cuộc chiến thương mại hay không?
Trung Quốc dưới sức ép thay đổi chính sách
Mỹ phát cuộc động chiến tranh thương mại chủ yếu nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách công nghiệp mà trọng tâm là chương trình Made in China 2025, một sáng kiến để nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp Trung Quốc, lấy cảm hứng trực tiếp từ Industry 4.0 (Công nghiệp 4.0) của nước Đức với tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới vào năm 2025. Sáng kiến này, được công bố vào năm 2015, tập trung vào 10 lĩnh vực công nghệ gồm: thế hệ công nghệ thông tin tiếp theo bao gồm mạng 5G; robot và công cụ điều khiển bằng số cao cấp; thiết bị không gian; thiết bị kỹ thuật đại dương và tàu biển công nghệ cao; thiết bị đường sắt hiện đại; xe sử dụng năng lượng mới (xe điện) và công nghệ tiết kiệm năng lượng; thiết bị điện; máy móc nông nghiệp; các vật liệu mới; dược phẩm sinh học và thiết bị y tế kỹ thuật cao.
Theo chương trình này, chính phủ Trung Quốc sẽ triển khai nhiều hình thức hỗ trợ bao gồm cung cấp các chính sách trợ cấp, các khoản vay ưu đãi để thúc đẩy sự phát triển các công ty công nghệ cao trong nước và khuyến khích họ mở rộng mạng lưới kinh doanh ra nước ngoài cũng như thâu tóm các công ty nước ngoài sở hữu các công nghệ tân tiến. Tổng ngân sách hỗ trợ chương trình Made in China 2025 có thể vượt 1.500 tỉ đô la Mỹ.
Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, cho đến nay, chương trình Made in China 2025 đã tạo ra một số kết quả tích cực bao gồm các tiến bộ trong sản xuất máy bay thương mại cỡ lớn, công nghệ bán dẫn, vật liệu mới, động cơ máy bay và động cơ tuốc-bin khí, xe năng lượng mới, thiết bị mạng di động 5G.
Hôm 17-8, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo cho biết vào cuối tháng này, một phái đoàn do Thứ trưởng Thương mại Vương Thụ Văn dẫn đầu sẽ đến Mỹ để đàm phán tháo gỡ các tranh chấp thương mại với các đại diện Mỹ dẫn đầu bởi Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế David Malpass. Vấn đề mà giới quan sát lưu tâm trong cuộc đàm phán sắp tới là liệu Trung Quốc có đưa ra các nhượng bộ lớn bao gồm thay đổi căn bản chương trình Made in China 2025 hay không.
Mỹ hụt hơi trong cuộc đua 5G
Giới phân tích cho rằng một trong những lý do cốt yếu đằng sau quyết định phát động cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc của Mỹ là giành ưu thế dẫn đầu về công nghệ mạng không dây 5G, thế hệ tiếp theo của mạng Internet di động. Mạng không dây 5G cho phép người sử dụng tải phim ảnh và các dữ liệu khác nhanh hơn nhưng quan trọng hơn, nó được xem là một công nghệ đóng vai trò nền tảng cho mọi thứ từ xe tự lái cho đến các thành phố thông minh.
Công nghệ 5G là yếu tố then chốt để Tổng thống Donald Trump thực hiện cam kết “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” cũng như để Trung Quốc thực hiện tham vọng trở thành nước dẫn đầu vì trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2030. Tuy nhiên, Mỹ đang hụt hơi trong cuộc chạy đua triển khai mạng 5G. Giờ đây cuộc chiến thực sự để giành vị thế dẫn đầu thế giới về công nghệ 5G đang diễn ra giữa hai hãng công nghê và thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc gồm ZTE và Huawei và các đối thủ châu Âu như Nokia và Ericsson.
Theo một báo cáo mới đây của công ty tư vấn Deloitte Consulting, Mỹ đang đầu tư kém xa Trung Quốc trong nỗ lực xây dựng hạ tầng mạng 5G và có nguy cơ đánh mất các cơ hội kinh tế to lớn. Bản báo cáo cho biết Trung Quốc hiện đã xây dựng được 350.000 trạm thu phát sóng mạng di động 5G so với con số chưa đến 10.000 của Mỹ. Kể từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã đầu tư cho mạng 5G cao hơn 25 tỉ đô la so với mức đầu tư của Mỹ.
Declan Ganley, Giám đốc điều hành công ty viễn thông Rivada Networks, nhận định mạng 5G có ý nghĩa chiến lược quan trọng hơn cả các tuyến đường biển hoặc việc kiểm soát không phận.
Bản báo cáo của Deloitte Consulting cho biết kế hoạch phát triển năm năm của Trung Quốc (2016-2020) kêu gọi đầu tư 400 tỉ đô cho mạng 5G.
Theo đó, “Trung Quốc và các nước khác có thể tạo ra một cơn sóng thần 5G, khiến các đối thủ gần như không thể theo kịp”. Báo cáo nhận định nước nào triển khai nhanh chóng mạng 5G sẽ có lợi thế dẫn đầu trong tuyển dụng và đầu tư cũng như khai thác khối dữ liệu khổng lồ từ hàng tỉ thiết bị kết nối Internet.
Dan Littmann, Giám đốc tư vấn công nghệ ở Deloitte Consulting, cho rằng Mỹ cần phải đánh giá kỹ cuộc đua 5G và đưa ra các hành động nhanh chóng nếu muốn duy trì sự cạnh tranh và vươn lên dẫn đầu thế giới về 5G.
Theo một bản báo cáo của Hiệp hội thông di động toàn cầu (GSMA) và Sáng kiến mạng LD-LTE toàn cầu, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường 5G lớn nhất toàn cầu vào năm 2025, với khoảng 430 triệu thiết bị kết nối 5G, chiếm 1/3 tổng thiết bị kết nối 5G toàn cầu.
![]() |
Robot và trí thông minh nhân tạo (AI) là những công nghệ mà cả Mỹ lẫn Trung Quốc đang đầu tư nguồn vốn khổng lồ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). |
Các ông lớn công nghệ Mỹ-Trung so kè quyết liệt
Bên cạnh cuộc đua công nghệ 5G giữa Mỹ và Trung Quốc là các cuộc cạnh tranh khốc liệt khác giữa các hãng công nghệ hàng đầu của hai nước chẳng hạn như cuộc so kè giữa Baidu và Google trong lĩnh vực tìm kiếm, Huawei và Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh.
Hồi đầu tháng 8, báo The New York Times trích dẫn hai nguồn tin cho biết Google đang muốn trở lại thị trường Trung Quốc bằng cách giới thiệu ứng dụng tìm kiếm trên di động, cho phép hạn chế các nội dung bị Bắc Kinh kiểm duyệt. Ngoài ra, Google còn dự định giới thiệu một ứng dụng tổng hợp tin tức dựa vào AI cho thị trường Trung Quốc. Google rút khỏi Trung Quốc cách đây tám năm để phản đối chính sách kiểm duyệt nội dung tìm kiếm của Trung Quốc cũng như lo ngại các cuộc tấn công mạng.
Hôm 7-8, viết trên trang blog cá nhân, Robin Li Yanhong, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hàng hãng tìm kiếm trực tuyến số một Trung Quốc Baidu, nói rằng Baidu sẽ đánh bại Google một lần nữa nếu hãng này quay trở lại Trung Quốc. “Các công ty công nghệ ở Trung Quốc ngày nay có đủ năng lực và sự tự tin để xuất hiện mạnh mẽ giữa cuộc cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ toàn cầu. Thế giới đang học hỏi Trung Quốc. Đó là điều mà các công ty toàn cầu phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến vào thị trường Trung Quốc”.
Google chiếm 14% lưu lượng tìm kiếm và 33% doanh thu trên thị trường tìm kiếm ở Trung Quốc trước khi công ty này rút khỏi Trung Quốc vào năm 2010. Vào thời điểm đó, Baidu chiếm 79% lưu lượng tìm kiếm và 65% doanh thu liên quan đến các hoạt động tìm kiếm ở Trung Quốc. Song Google khó lòng bỏ qua các cơ hội kinh doanh béo bở ở thị trường 772 triệu người sử dụng Internet này. Thông tin Google quay trở lại Trung Quốc đã khiến giá cổ phiếu Baidu niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) giảm 7,7% xuống còn 228 đô la Mỹ/cổ phiếu vào hôm 1-8.
Ở lĩnh vực điện thoại thông minh, Huawei vừa có cuộc bứt phá ấn tượng để qua mặt Apple, vươn lên trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới chỉ sau Samsung.
Theo các hãng nghiên cứu thị trường IDC, Canalys và IHS Markit, trong quý 2-2018, doanh số điện thoại thông minh của Huawei đạt hơn 54 triệu đơn vị, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, con số này ở Apple chỉ là 41,3 triệu chiếc iPhone, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, Huawei chính thức soán ngôi vị nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới của Apple. Không dừng lại ở đó, Richard Yu, Giám đốc mảng hàng điện tử tiêu dùng của Huawei, còn đặt mục tiêu đưa Huawei vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới vào quý 4-2019 với mức thị phần hơn 20% toàn cầu.
Trong quý 2, Samsung bán được hơn 70 triệu chiếc điện thoại thông minh, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhà phân tích Ryan Reith của hãng nghiên cứu thị trường IDC ghi nhận tốc độ tăng trưởng của Huawei rất ấn tượng, đặc biết là thương hiệu này có khả năng tiếp cận nhanh chóng các thị trường mới. Huawei càng tỏ ra đáng gờm hơn khi vượt qua Apple dù đang bị cấm cửa ở thị trường Mỹ. Các hãng viễn thông Mỹ AT&T và Verizon Communications và chuỗi bán lẻ hàng điện tử lớn nhất Mỹ Best Buy đã lần lượt từ chối phân phối điện thoại thông minh của Huawei tại Mỹ do chịu sức ép từ chính phủ Mỹ.
Theo IHS Markit, chiến lược tập trung vào các phân khúc sđiện thoại thông minh bình dân đã giúp Huawei dần chiếm lĩnh thị trường châu Á – Thái Bình Dương, nơi doanh số của hãng này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Song các nhà phân tích dự báo Apple sẽ nhanh chóng lấy lại ngôi vị số 2 trên thị trường điện thoại thông minh khi các dòng iPhone mới được tung ra vào cuối năm nay.
Những nỗi lo âu về vấn đề bảo mật
Một mối lo ngại lớn của Mỹ trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc là vấn đề an bảo mật thông tin. Mỹ rất cảnh giác với các thiết bị công nghệ được sản xuất bởi các công ty công nghệ Trung Quốc có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc như Huawei hay ZTE.
Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể cài đặt các phần mềm gián điệp trong các thiết bị này để thu thập các thông tin nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia hoặc khai thác thông tin riêng tư của người dùng.
Mới đây, hôm 13-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua Đạo luật Ủy quyền quốc phòng quốc gia trị giá 716 tỉ đô cho tài khóa 2019 với điều khoản cấm các cơ quan chính phủ mua hoặc sử dụng một số thiết bị viễn thông và giám sát của hai hãng công nghệ Trung Quốc Huawei và ZTE dựa trên lý do an ninh quốc gia. Đạo luật này cũng mở rộng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) trong việc xét duyệt các vụ thâu tóm và sáp nhập do các công ty nước ngoài thực hiện tại Mỹ. Dù đạo luật không nhắc cụ thể đến tên nước nào nhưng các nghị sĩ Mỹ không ngần ngại nói thẳng rằng mối lo lắng của họ chính là các rủi ro an ninh quốc gia từ việc các công ty Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ sở hữu công nghệ chiến lược.
Trước đó vào ngày 3-8, Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ ở Mỹ khuyến cáo các quan chức, ứng cử viên đảng Dân chủ và nhân viên vận động tranh cử cho cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa kỳ vào tháng 11 tới không sử dụng các thiết bị di động của Huawei và ZTE dù chúng có giá rẻ vì lo ngại họ có thể bị theo dõi. Tại cuộc điều trần ở Ủy ban Tình báo thượng viện Mỹ vào đầu năm nay, các giám đốc của sáu cơ quan an ninh và tình báo Mỹ bao gồm Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nói rằng họ sẽ không khuyên người dân Mỹ mua các thiết bị công nghệ của các công ty Trung Quốc như Huawei hay ZTE vì nguy cơ bị đánh cắp thông tin.
Hồi đầu năm nay, theo đề xuất của CFIUS, Tổng thống Donald Trump đã ngăn chặn thương vụ hãng bán dẫn Broadcom có trụ sở ở Singapore thâu tóm hãng chip Qualcomm (Mỹ) với giá 117 tỉ đô vì lo ngại sẽ tạo cho Trung Quốc lợi thế về công nghệ 5G. CFIUS lo rằng sau khi thâu tóm Qualcomm, Broadcom sẽ cắt giảm ngân sách đầu tư nghiên cứu và phát triển của Qualcomm trong lĩnh vực 5G. Động thái này, trên giả thiết, sẽ tạo lợi thế cho Huawei và ZTE. Dù Broadcom không phải là công ty của Trung Quốc nhưng Huawei đang có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với công ty này. Huawei sử dụng chip của Broadcom trong các thiết bị xây dựng mạng lưới viễn thông. Hồi tháng 2-2018, cả hai công ty này thông báo vừa hoàn thành thử nghiệm một công nghệ giúp triển khai các dịch vụ di động 5G nhanh hơn.
Theo CNN, CNBC, SCMP
Nguồn: thesaigontimes.vn